Trong ngành sản xuất đồng phục, kỹ thuật in chuyển nhiệt lên vải đang ngày càng trở nên phổ biến. Đây là kỹ thuật in tạo ra những sản phẩm sắc nét, bền màu và phong phú về thiết kế. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng hiểu rõ về những điểm đặc biệt của phương pháp in này. TOOLEEVN Uniform sẽ giúp bạn hiểu rõ từ A đến Z về kỹ thuật in chuyển nhiệt lên vải từ quy trình đến các chất liệu vải in phù hợp.
In chuyển nhiệt lên vải là gì?
In chuyển nhiệt lên vải là kỹ thuật in ấn sử dụng nhiệt độ cao để chuyển một lớp mực in từ giấy chuyên dụng lên bề mặt vải. Kỹ thuật này hoạt động dựa trên nguyên lý nhiệt độ làm thay đổi trạng thái của mực. Từ đó, hình ảnh hoặc màu sắc được in sẽ bám chắc vào sợi vải. Đặc điểm nổi bật của in chuyển nhiệt là khả năng tái hiện hình ảnh chi tiết. Không chỉ vậy, hình in chuyển nhiệt còn có màu sắc sống động và độ bền cao.
Không giống các phương pháp in truyền thống, in chuyển nhiệt cho phép áp dụng những thiết kế phức tạp. Điều này khiến kỹ thuật này trở thành lựa chọn hàng đầu cho việc sản xuất đồng phục, túi xách, và các sản phẩm thời trang độc đáo.
Quy trình in chuyển nhiệt lên vải
Quy trình in chuyển nhiệt lên vải bao gồm các bước cơ bản sau đây:
– Thiết kế hình in: Thiết kế được chuẩn bị trên máy tính với các chi tiết và màu sắc theo yêu cầu của khách hàng.
– In bằng máy chuyển nhiệt: Thiết kế sau đó được in lên giấy chuyển nhiệt chuyên dụng bằng máy in chuyển nhiệt.
– In thiết kế ra giấy: Sau khi thiết kế được in ra, giấy in chứa hình ảnh sẽ được chuẩn bị để chuyển lên bề mặt vải.
– Đặt hình in lên áo: Tờ giấy chuyển nhiệt được đặt úp lên bề mặt áo hoặc vải. Hình in cần được đặt sao cho hình ảnh nằm ở đúng vị trí mong muốn.
– Dùng máy ép nhiệt: Áo và giấy in được đặt vào máy ép nhiệt. Máy ép sẽ áp dụng nhiệt độ và áp lực phù hợp để chuyển mực từ giấy sang vải.
– Tháo giấy ra khỏi áo: Sau khi ép xong, giấy chuyển nhiệt sẽ được tháo ra. Hình ảnh được để lại trên vải vô cùng sắc nét và bền màu.
Cách lựa chọn chất liệu khi in chuyển nhiệt lên vải
Để đạt được hiệu quả in chuyển nhiệt tốt nhất, việc lựa chọn chất liệu vải phù hợp đóng vai trò vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số yếu tố cần xem xét:
Thành phần vải
Loại vải chứa tỷ lệ polyester cao (thường từ 65% trở lên) là lựa chọn lý tưởng cho in chuyển nhiệt. Vải polyester giúp mực in bám chắc và màu sắc lên tươi sáng hơn so với các loại vải cotton hoàn toàn. Các loại vải pha thường có khả năng chịu được nhiệt độ cao và ít bị co rút. Do đó, bạn nên lựa chọn vải poly để in chuyển nhiệt.
Màu sắc vải
Màu nền của vải cũng ảnh hưởng đến kết quả in. Vải màu trắng hoặc sáng giúp hình ảnh in chuyển nhiệt lên rõ nét và chuẩn màu hơn. Ngược lại, với vải tối màu, việc in chuyển nhiệt có thể gặp khó khăn. Vải tối màu có thể khiến màu sắc không như mong muốn. Trong trường hợp cần in trên vải màu tối, bạn có thể phải sử dụng thêm các lớp nền trắng để hỗ trợ.
Độ dày vải
Độ dày của vải cũng ảnh hưởng đến khả năng thấm mực và độ bền của hình ảnh. Vải mỏng quá có thể không giữ màu lâu. Trong khi đó, vải quá dày khiến hình in khó thấm vào bề mặt vải. Do đó, việc lựa chọn độ dày phù hợp sẽ giúp duy trì màu sắc và độ sắc nét của hình in.
Các chất liệu vải thường dùng trong in chuyển nhiệt
In chuyển nhiệt phù hợp với nhiều loại vải khác nhau. Dưới đây là những loại vải thường được ưu tiên sử dụng để in chuyển nhiệt:
– Vải cá sấu poly và cá sấu mè: có khả năng co giãn tốt và giá cả phải chăng. Chất liệu này có màu sắc khá đa dạng thích hợp để in nhiều họa tiết độc đáo.
– Vải mè: ít nhăn và có độ thoáng khí cao. Nếu doanh nghiệp cần một chất liệu vải có giá thành rẻ và dễ in ấn thì vải mè là một lựa chọn phù hợp
– Vải canvas: Canvas có độ dày và độ bền cao. Ngoài ra, vải cũng có khả năng chịu nhiệt tốt nên rất thích hợp cho in chuyển nhiệt. Các sản phẩm làm từ canvas như túi xách, balo thường được in hình bằng kỹ thuật này.
– Vải voan: Với tính chất mỏng nhẹ và thoáng mát, vải thường được sử dụng để in những họa tiết nhẹ nhàng và tinh tế. Tuy nhiên, do tính chất mỏng nên vải voan đòi hỏi nhiệt độ in thấp và kỹ thuật tỉ mỉ.
– Vải gấm: Với bề mặt bóng đẹp và hoa văn sang trọng, vải gấm thích hợp cho các mẫu thiết kế đòi hỏi sự cao cấp. In chuyển nhiệt trên vải gấm giúp giữ được độ sắc nét của hình ảnh. Không chỉ vậy hình in còn làm tăng thêm phần sang trọng của chất liệu.
Các chất liệu vải không dùng để in chuyển nhiệt
In chuyển nhiệt không thích hợp với một số loại vải dày và có kết cấu đặc biệt. Những chất liệu này thường không cho kết quả in tốt hoặc không đảm bảo độ bền của hình in.
– Vải jeans: Với độ dày và cấu trúc bề mặt thô, vải jeans không phù hợp cho in chuyển nhiệt. Quá trình ép nhiệt không thể đảm bảo mực in bám chắc và sắc nét trên chất liệu này. Do đó, hình in trên vải jeans có thể bị mờ hoặc bong tróc theo thời gian.
– Các loại vải dày khác: Những loại vải dày như vải nỉ, vải dạ cũng gặp vấn đề tương tự khi in chuyển nhiệt. Chất liệu dày cản trở khả năng thẩm thấu của mực in và nhiệt độ không đủ để đảm bảo độ bám dính tốt của hình in.
Kỹ thuật in chuyển nhiệt lên vải mang đến màu sắc chân thực và chi tiết. Tuy nhiên, để đạt được kết quả tốt nhất, cần hiểu rõ quy trình in, cách lựa chọn chất liệu vải phù hợp và tránh những loại vải không thích hợp cho in chuyển nhiệt. Nếu bạn đang tìm kiếm một phương pháp in ấn sáng tạo và bền màu cho sản phẩm của mình, in chuyển nhiệt chắc chắn là lựa chọn đáng cân nhắc.